Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng. Tính đến chiều 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng. Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ.
Sau mỗi đợt mưa lũ là thời điểm bùng phát nhiều bệnh da liễu
Về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, một ca mắc sốt xuất huyết.
Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hóa, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.
Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Tính đến chiều 15/9 có 5 trạm y tế là: Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A (TTYT huyện Chương Mỹ), Ngô Quyền (TTYT Sơn Tây), Phù Lưu và Hồng Quang (TTYT Ứng Hòa) còn bị ngập.
Các trạm bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc… tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương.
Các cơ sở y tế, hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn được đảm bảo tốt. Tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Lưu ý quan trọng để phòng bệnh truyền nhiễm sau bão lũ:
TS.BS Vũ Viết Sáng, Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng Các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhắc nhở mọi người không nên chủ quan, coi thường bệnh tật, không tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế kịp thời, tránh đến quá muộn hoặc không kiểm soát tốt các bệnh lý nền.
Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sau lũ lụt, bao gồm:
- Thau rửa và khử khuẩn bể nước, giếng nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn.
- Lọc nước sinh hoạt bằng cát sạch, đánh phèn để lắng và khử khuẩn trước khi sử dụng.
- Lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, không ăn thức ăn ôi thiu.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hằng ngày, đặc biệt rửa sạch và lau khô chân sau khi tiếp xúc với nước bẩn.
- Hạn chế bơi lội vào vùng nước ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải lội, cần rửa sạch ngay bằng nước sạch và lau khô.
- Diệt muỗi và loăng quăng bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể lớn, và loại bỏ phế thải có thể đọng nước.
- Mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/ha-noi-hon-500-nguoi-mac-benh-da-lieu-sau-bao-yagi-c62a1603675.html
“Trường hợp của bé N.T.Q là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng ARDS có thể dẫn đến tử vong nếu không có can thiệp y tế tích cực,” ThS.BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.