Chúng tôi đến Cao Hùng vào những ngày cuối năm 2024. Khi Hà Nội đang rất lạnh với nhiệt độ chỉ 14 độ C thì ở đây lại khá mát mẻ, nhiều nắng, thời tiết như đang giữa mùa thu, dao động từ 22-26 độ C.
Ấn tượng đầu tiên về nơi này là sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và cổ kính. Cao Hùng sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời, khu mua sắm sầm uất, các khu vui chơi giải trí hiện đại.
Tọa lạc ở trung tâm thành phố là một tòa nhà 85 tầng, biểu tượng của sự giàu có, kinh tế phồn thịnh và cũng là điểm du lịch nổi tiếng. Từ tòa nhà này, tôi đã được ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Cao Hùng và mang về khá nhiều tấm hình chụp từ trên cao.
Cao Hùng vốn là một ngôi làng đánh cá nhỏ trên đảo Kỳ Tân với vị trí địa lý trải dài từ vùng nước ấm của eo biển Đài Loan đến sườn núi giá lạnh phía tây nam Ngọc Sơn, hàng chục năm qua đã phát triển thành một đô thị với sắc màu rực rỡ.
Cao Hùng nằm dọc theo “vành đai lửa” Thái Bình Dương, nên thường xuyên xảy ra động đất. Các ngôi nhà ở đây có cách xây dựng khác biệt để chống chọi và giảm thiểu rủi ro mỗi khi địa chấn xảy ra.
Anh Minh, hướng dẫn viên du lịch Vietravel, cho biết nhiều người dân nơi đây vẫn còn bị ám ảnh bởi thảm họa năm 1999. Cường độ động đất khi đó là 7,7 độ richter, làm khoảng 2.400 người chết, hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy.
Cao Hùng có diện tích khoảng 2.946km². Địa hình vùng đất này có cả đồng bằng, núi non và bờ biển dài, cảnh quan phong phú. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, thành phố đã phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và du lịch.
Nói đến Cao Hùng không thể không nhắc tới hệ thống cảng biển nằm ở phía nam thành phố. Địa thế cảng vịnh tự nhiên, là cảng khẩu lớn nhất Đài Loan với 116 bến tàu, là nút thắt giao thông biển quan trọng.
Cảng Cao Hùng là huyết mạch và cũng là nét tượng trưng của nền kinh tế Đài Loan, không chỉ phồn vinh phát đạt mà cơ sở hạ tầng của nó cũng đang được chính quyền nơi này đầu tư nâng cấp.
Thành phố này cũng là trung tâm của ngành công nghiệp đóng tàu, trung tâm chế tạo, lọc dầu và vận tải.
Đường xá rộng rãi, thoáng đãng, hệ thống giao thông hiện đại là những nét đáng chú ý của Cao Hùng.
Chúng tôi đã được trải nghiệm hệ thống tàu đường sắt hạng nhẹ, tàu điện ngầm để di chuyển qua các di tích lịch sử, khách sạn, chợ đêm hay những khu check-in ven sông.
Trong các ga ngầm dưới lòng đất có đầy đủ khu phức hợp, ăn uống, vui chơi, thậm chí còn có những tác phẩm nghệ thuật tại các khu vực dành cho khách chờ lên tàu.
Vỉa hè, lòng đường các khu nhà ở tại Cao Hùng rất ngăn nắp. Các vị trí để ô tô, xe máy được kẻ vạch rõ ràng, người dân rất tuân thủ luật lệ giao thông.
Đặc biệt, thành phố không có thùng rác công cộng. Người dân và du khách tự ý thức giữ gìn môi trường, rất hiếm có vỏ chai, đồ phế thải bị vứt ra lề đường, vỉa hè.
Cao Hùng có một cây cầu với kiến trúc đặc biệt mang tên Đại Cảng. Cầu sơn màu trắng, dài 110m, rộng từ 5-11m, được thiết kế dựa trên hình tượng cá heo và con sò.
Đây là cầu xoay đầu tiên ở Đài Loan, xoay vào 15h mỗi ngày, thời gian xoay cầu là 3 phút. Vào thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần cầu sẽ xoay thêm một lần nữa vào lúc 19h.
Phần chính giữa cầu là nơi đứng ngắm cảnh đẹp hai bên bờ sông. Ở hai đầu cầu có hệ thống nhà hàng, quán bar thu hút rất đông giới trẻ, cặp đôi đến vui chơi.
Những năm gần đây, Cao Hùng đã xây dựng Trung tâm Du lịch cảng Cao Hùng (Kaohsiung Port Cruise Terminal). Bên trong được trang bị các thiết bị điện tử thông minh nhằm tạo điều kiện cho hành khách nhanh chóng thông quan, thu hút thêm nhiều khách du lịch.
Vào buổi tối, công trình rực rỡ nhất thành phố là Trung tâm Âm nhạc đương đại với tạo hình độc đáo. Nhà hát có sức chứa từ 4.000-6.000 người.
Trong ngày thứ 2 của hành trình, chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến đảo Kỳ Tân. Nổi bật ở đây là pháo đài được xây dựng vào năm 1720.
Rời khỏi pháo đài, đi bộ một đoạn chưa đầy 200m chúng tôi được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng được xây dựng năm 1883. Từ đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố, các bến tàu và được hít thở không khí trong lành với biển trời xanh ngắt.
Trong số những điểm nhấn thu hút giới trẻ của Cao Hùng có các điểm du ngoạn ven biển với nhiều tác phẩm nghệ thuật đường phố. Nổi bật trong số đó là Trung tâm nghệ thuật Pier-2 với các cửa hàng sáng tạo độc lập.
Tác phẩm hoành tráng nhất của đơn vị này là Takao Artistry Warehouse được làm từ những chiếc thùng container xếp chồng lên nhau. Tôi đã tò mò đi vòng quanh tìm góc đẹp nhất để chụp ảnh mà chưa thể đoán được ý tưởng thiết kế của nó là gì.
Điều tôi tiếc nuối nhất ở Kỳ Tân là không có nhiều thời gian để chụp thêm nhiều tấm hình ở thời điểm nắng rất đẹp và check-in với những tác phẩm nghệ thuật sát bờ biển.
Nơi đây có công trình nhà thờ Cầu Vồng nhiều màu sắc. Nó được xây dựng từ ý tưởng nối giữa vùng biển rộng lớn và mặt đất trên đảo với lối thiết kế bắt mắt, trẻ trung.
Cạnh nhà thờ Cầu Vồng có 2 bức tượng vỏ ốc cùng hướng ra biển, biểu tượng cho đôi uyên ương đang nhìn ngắm thiên nhiên.
Vào mỗi buổi chiều, tại cảng tàu có các chuyến tàu du lịch chở khách đi dọc sông du ngoạn, ngắm hoàng hôn và thưởng thức cảnh đẹp. Lênh đênh trên du thuyền, mọi người thoải mái ngắm công trình nhà hát, cũng như các tòa nhà nổi bật.
Nhiều tòa nhà cao tầng là vậy, sôi động là vậy nhưng do lượng dân số khiêm tốn, sự ồn ào náo nhiệt ở Cao Hùng hầu như không có. Nơi sầm uất nhất có lẽ là các khu chợ đêm và trung tâm thương mại.
Nếu như đứng bên bờ sông, bờ biển vào mỗi khi trời tắt nắng, cảnh sắc thanh bình hiện lên đẹp đến nao lòng. Ở khuất bên kia bờ có tiếng nhạc phát ra từ những nhà hàng, quán xá ven sông, khiến du khách không muốn ra về.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/du-lich-24h/canh-sac-me-dam-o-cao-hung-thanh-pho-cang-dep-nhat-dai-loan-c76a1631869.html
Thay vì đóng cửa hoàn toàn, một số trường mầm non đã lựa chọn tái định vị thành trung tâm chăm sóc người cao tuổi.