Một báo cáo mới đây đã gây chấn động giới công nghệ khi tiết lộ rằng Cariad, công ty con phụ trách phần mềm ô tô của Volkswagen, đã vô tình để lộ dữ liệu nhạy cảm của hơn 800.000 xe điện. Thông tin này được phát hiện bởi Chaos Computer Club (CCC), một tổ chức hacker mũ trắng tại châu Âu, sau khi nhận được cảnh báo từ người tố giác.
Lỗi bảo mật phần mềm khiến dữ liệu của hơn 800.000 xe điện bị rò rỉ.
Theo điều tra, nguyên nhân xuất phát từ cấu hình sai trong hai ứng dụng của Cariad, khiến dữ liệu xe điện, trong đó có cả thông tin định vị GPS chính xác, bị lưu trữ công khai trên nền tảng đám mây Amazon. Điều này đồng nghĩa với việc vị trí, thói quen di chuyển và thậm chí thông tin cá nhân của hàng trăm nghìn chủ xe đã bị lộ ra ngoài trong một thời gian dài.
Đáng chú ý, trong số 800.000 xe bị ảnh hưởng, có tới 460.000 xe đang chia sẻ dữ liệu GPS chính xác. Phần lớn các xe này tập trung tại Đức (300.000 xe), còn lại phân bố tại các quốc gia châu Âu khác như Na Uy, Thụy Điển, Anh, Hà Lan... Do Volkswagen là công ty mẹ của nhiều thương hiệu xe hơi nổi tiếng, nên các mẫu xe của Audi, SEAT và Skoda cũng nằm trong danh sách bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi nhận được thông báo từ CCC, Cariad đã nhanh chóng khắc phục sự cố và gửi lời cảm ơn tới tổ chức này. Tuy nhiên, vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo mật dữ liệu trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là khi xe điện ngày càng được tích hợp nhiều công nghệ và kết nối internet.
Đây không phải lần đầu tiên Volkswagen vướng vào bê bối liên quan đến dữ liệu. Gần một thập kỷ trước, hãng xe này từng bị phanh phui vụ việc gian lận khí thải động cơ diesel. Sự cố lần này tiếp tục đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nhà sản xuất ô tô trong việc bảo vệ thông tin khách hàng, đồng thời thúc đẩy các cuộc tranh luận về quyền riêng tư trong thời đại xe hơi kết nối.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/cong-nghe-thong-tin/danh-tinh-cua-hon-800000-chu-xe-dien-bi-phoi-bay-tren-internet-c55a1630847.html
Estonia, một quốc gia nhỏ nằm ở vùng Baltic với dân số chỉ khoảng 1,3 triệu người, đã trở thành mắt xích quan trọng trong cấu trúc an ninh mạng của khối NATO nhờ những kết quả chuyển đổi số.