Đưa nước sông Hồng về sông Tô Lịch thế nào
Hà Nội - Tuyến ống dài hơn 5 km lấy nước từ sông Hồng, xuyên qua đê, chạy dọc đường Võ Chí Công và đổ vào đầu sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt.
Ngày 8/1, Văn phòng UBND TP Hà Nội thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường và các dự án giao thông xung quanh Hồ Tây.
Phương án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Đồ họa: Hoàng Chương
Thành phố sẽ xây dựng trạm bơm công suất 3-5 m3/s tại bãi sông Hồng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành. Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng (gầm cầu Nhật Tân, đường An Dương Vương).
Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45 m, thành phố sẽ cho đào mở đê, xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp. Vị trí qua đê sẽ có hai đường ống để dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5 m3/s.
Sau khi xuyên qua đê, tuyến ống đi qua đảo giao thông, chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí nút giao Hoàng Quốc Việt. Từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3 km.
Trên đường ống đi song song với Võ Chí Công có đầu chờ chia nước để dẫn theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào Hồ Tây. Việc tính toán xử lý nước trước khi xả vào Hồ Tây được thực hiện theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây và phụ cận do UBND quận Tây Hồ thực hiện.
Vị trí các đập dâng trên sông Tô Lịch. Nguồn: Sở Xây dựng
Ngoài ra, do đặc thù sông Tô Lịch có độ dốc đáng kể, chênh lệch cao độ đáy sông tại điểm đầu đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối Thanh Liệt khoảng hai mét nên lượng nước bổ cập vào sông với lưu lượng 3 m3/s không đủ tạo dòng chảy và dâng nước trên toàn bộ chiều dài sông. Vì thế thành phố sẽ nghiên cứu đặt thêm một số đập dâng cao su để dâng và duy trì mực nước trên các đoạn sông tạo cảnh quan cho dòng sông. Qua tính toán sơ bộ, thành phố cần đặt 3 đập dâng tại Cống Mọc, Cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Khái toán tổng mức đầu tư theo phương án bổ cập trên khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý vị trí trạm bơm thu nước tại sông Hồng phải đảm bảo cao độ an toàn khi có lũ và chất lượng nguồn nước cung cấp về sông Tô Lịch. Sở Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu việc xây dựng đập dâng (đập chữ T tại vị trí ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang, huyện Thanh Trì) đồng bộ với dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch. Việc xây dựng đập dâng nhằm giữ nước cho sông Tô Lịch vào mùa khô, hỗ trợ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ vào mùa mưa bão.
Trước đó Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra hai phương án bổ cập nước. Ngoài phương án trên, có một phương án nữa là dẫn nước đến đường Võ Chí Công, đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy. Từ hồ Đầm Bảy, nước sông Hồng đi theo đường ống dưới lòng hồ về cửa điều tiết thoát về cống ngầm, từ đó nước theo cống ngầm chảy tự nhiên về sông Tô Lịch.
Sở cho rằng phương án này có ưu điểm là hướng tuyến thi công ngắn hơn, bổ cập vào Hồ Tây và tận dụng được mương sẵn có. Nhược điểm là khó thi công tuyến cống ngầm dưới lòng Hồ Tây và mương ngầm vẫn đang thoát nước thải do đó nước bổ cập theo phương án này sẽ bị trộn lẫn nước thải chưa được thu gom.
Mở cửa xả tràn nước Hồ Tây qua cống ngầm về điểm đầu sông Tô Lịch ngày 2/12. Ảnh: Võ Hải
Sông Tô Lịch trước đây là một chi lưu (làm nhiệm vụ thoát nước cho sông chính) của sông Hồng. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dòng sông đã thay đổi, nhất là về chất lượng nước do gián đoạn về nguồn bổ cập, chủ yếu tiếp nhận nước từ Hồ Tây, nước mưa và nước thải.
Sông Tô Lịch hiện nay dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt. Điểm cuối có hai hướng thoát, thứ nhất ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/s, bơm cưỡng bức ra sông Hồng.
Những năm qua Hà Nội triển khai nhiều dự án khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng không hiệu quả. Thành phố đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, Thanh Trì), mục tiêu là tách và thu gom toàn bộ nước thải, nước mưa khỏi hệ thống thoát nước chung nhằm cải thiện chất lượng nước các dòng sông, trong đó có Tô Lịch. Tuy nhiên, nước sau xử lý không bổ cập trở lại mà đổ ra cuối nguồn nên sông Tô Lịch bị hụt nước.
Từ đầu tháng 12, nhà máy Yên Xá đã đi vào hoạt động, các nguồn nước bổ cập cho Tô Lịch được thu gom dẫn đến sông sẽ bị cạn. Thành phố dự báo sông Tô Lịch vào mùa khô tới sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị nên cần triển khai dự án khẩn cấp để bổ cập nước cho sông.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/dua-nuoc-song-hong-ve-song-to-lich-the-nao-c46a1633125.html