Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” sẽ mở cửa phục vụ người dân TP. HCM và du khách từ 19 giờ ngày 27/1/2025 (tức 28 Tết) đến 21 giờ ngày 2/2/2025 (mùng 5 Tết).
Năm nay, đường hoa sử dụng khoảng 109.000 giỏ hoa các loại, tạo nên không gian rực rỡ và sống động. Công tác thi công bắt đầu từ 7 giờ ngày 9/1 và hoàn tất vào 12 giờ ngày 27/1/2025, kịp thời để chào đón mùa xuân rộn ràng.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2025 được chia thành ba phân đoạn chính: “Kết đoàn”, “Chuyển mình” và “Phát triển”. Các phân đoạn này tái hiện chặng đường lịch sử đầy gian nan, hy sinh của dân tộc Việt Nam, từ khúc hát kết đoàn giành độc lập, thống nhất đất nước đến quá trình chuyển mình mạnh mẽ và phát triển bền vững. Hành trình 50 năm qua đã minh chứng cho khát vọng vươn lên, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đầy tự hào.
Tại cổng chào, đại cảnh “Vũ điệu thống nhất” được thiết kế hoành tráng, tái hiện khúc ca khải hoàn, mang thông điệp vững bước tiến lên vì một Việt Nam hạnh phúc và thịnh vượng.
>> Tỉnh giàu có sát vách TP. HCM sắp khởi công khu tái định cư phục vụ cao tốc 17.800 tỷ
Cặp linh vật Kim Tỵ - Ngân Tỵ tại cổng chào mang lại sự ấn tượng cả về thiết kế lẫn kỹ thuật chế tác. Tổng cộng, thân Ngân Tỵ được gắn khoảng 2.700 miếng vảy và Kim Tỵ là gần 3.600 miếng vảy, hoàn toàn thủ công, kết hợp cùng hệ thống đèn LED chạy dọc hai bên bụng. Đôi mắt rắn, với đường kính 10cm được chế tác tỉ mỉ, tạo thần thái sống động và lôi cuốn, khác biệt so với linh vật Quý Tỵ năm 2013.
Phía sau cặp linh vật là những bụi tre cao từ 2,5-12m, được tạo hình từ thép hộp, phủ mành và mây tre, sơn màu xanh non và vàng ngà. Thiết kế thân rỗng với các lỗ nhỏ tạo hiệu ứng ánh sáng dịu nhẹ khi Đường hoa lên đèn, vừa thân thiện môi trường vừa tăng tính nghệ thuật.
Đường hoa năm nay sở hữu khoảng 90 tạo hình linh vật Tỵ, thể hiện đa dạng sắc thái và hình dáng. Đặc biệt, khu vực đảo rắn Kim Tỵ - Ngân Tỵ là nơi hội tụ các “bé Tỵ” nhí nhảnh, đáng yêu, với phần đầu có thể chuyển động trong các tiểu cảnh sinh động như “Tỵ trẩy hội” và “Tỵ đồng hành”.
Cuối đường hoa Nguyễn Huệ là hình ảnh nàng Tỵ duyên dáng, mang đậm nét đẹp của người con gái miền Nam trong trang phục truyền thống, với phụ kiện khăn rằn và nón lá đặc trưng.
Lấy cảm hứng từ hình dáng oai vệ của rắn hổ mang chúa, nàng Tỵ được tạo hình trong tư thế ngẩng cao đầu, tượng trưng cho sự mạnh mẽ và kiêu hãnh. Toàn thân phủ sắc xanh, màu của sự sống và sự phát triển bền vững, nàng Tỵ nổi bật với kích thước ấn tượng dài hơn 50m và cao hơn 10m.
Phần đầu được chế tác tỉ mỉ từ các chất liệu như xốp, lưới nhuyễn, thép và vải mùng, mang đến vẻ mềm mại nhưng không kém phần vững chắc. Phần thân uốn lượn độc đáo với gần 3.000 miếng vảy làm từ xốp phủ sơn, được ghép thủ công để tạo nên sự chân thực và sống động. Thân nàng Tỵ được uốn thành hai vòng lớn, trong đó vòng lớn nhất có đường kính gần 9m, tạo nên một tổng thể vừa hoành tráng vừa tinh tế.
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TP. HCM, đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025 tiếp tục đón nhận sự tham gia của các Tổng lãnh sự quán từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Lào, Ý, Indonesia, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan và Anh. Đại diện từ khách sạn Rex Sài Gòn - thuộc Saigontourist Group - cũng góp mặt, mang đến những nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam.
Sự hiện diện của các quốc gia không chỉ làm phong phú thêm nét văn hóa trên Đường hoa mà còn tạo nên không gian đa dạng, nơi du khách có thể khám phá các phong tục độc đáo của từng nước. Những thiết kế đặc trưng này hứa hẹn trở thành điểm nhấn thu hút khách tham quan, mang đến vô số góc "check-in" độc đáo chỉ có tại đường hoa Nguyễn Huệ năm nay.
>> Chưa đầy 3 ngày nữa, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt hơn 11.000 tỷ sẽ chính thức thu phí
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/duong-hoa-nguyen-hue-ruc-sac-xuan-don-90-linh-vat-ran-trong-tet-nguyen-dan-2025-189548.html
TP. HCM và các tỉnh lân cận phấn đấu đặt mục tiêu trước năm 2027 sẽ hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 với mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng.