Trong năm 2024, có hai phim Việt lập kỷ lục tại phòng vé, lần lượt thuộc về Mai (Trấn Thành đạo diễn) và Lật mặt 7: Một điều ước (Lý Hải). Nhiều tác phẩm cũng thu hút, giúp nâng tổng doanh thu điện ảnh nội địa lên mức hơn 1.700 tỷ đồng, theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Song, thị trường vẫn được đánh giá là thiếu tính bền vững. Có phim Việt được đầu tư cao, quy tụ dàn sao nhưng chịu sự thờ ơ của khán giả. Nhiều tác phẩm lại có chất lượng đáng báo động, dẫn đến không bán được vé và phải rời rạp trong cảnh thua lỗ.
Doanh thu bùng nổ nhưng đề tài kém đa dạng
So với năm ngoái, phim Việt năm nay có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ dịp Tết Nguyên đán khi các dự án ra mắt đều đạt doanh thu tốt. Nổi bật nhất vẫn là Mai khi hốt hơn 551 tỷ đồng, hiện giữ kỷ lục là phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Sau đó, Lật mặt 7: Một điều ước tiếp tục tạo cơn sốt vào dịp lễ 30/4 (482 tỷ đồng), giúp phòng vé Việt nửa đầu năm đã đạt tổng doanh thu cao hơn hai năm trước. Đây cũng là năm phim Việt phục hồi tích cực nhất kể từ sau Covid-19.
Tuy nhiên, các tác phẩm nội địa vẫn đang quanh quẩn ở những đề tài cũ, nội dung còn quen thuộc. Trong top 10 phim ăn khách nhất năm nay, có đến bốn phim là kinh dị hoặc mang màu sắc kinh dị, lần lượt là: Làm giàu với ma (128 tỷ đồng), Ma da (127 tỷ), Cám (96 tỷ), Linh miêu: Quỷ nhập tràng (83 tỷ).
Số lượng phim hài rút xuống chỉ còn hai phim là: Gặp lại chị bầu (92 tỷ) và Cô dâu hào môn (73 tỷ). Bốn phim còn lại thuộc dòng chính kịch, tình cảm.
Phim kinh dị Việt vẫn đang chiếm sóng.
Dù thuộc thể loại khác nhau, các phim đều đang đi vào lối mòn trong việc xây dựng kịch bản. Cốt truyện luôn cài cắm bi kịch gia đình, tình mẫu tử hoặc phụ tử để đánh vào tâm lý của khán giả.
Đơn cử, Làm giàu với ma mượn câu chuyện tâm linh để đẩy mạnh mối quan hệ cha con của nhân vật chính. Hay Gặp lại chị bầu được quảng bá như phim tình cảm - hài nhưng thật chất lại đào sâu tình mẫu tử.
Một ví dụ khác là Hai Muối – tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Quyền Linh sau 20 năm không đóng điện ảnh. Kịch bản phim còn mang màu sắc truyền hình với những tình tiết cũ kỹ, chủ yếu để làm nổi bật thông điệp về tình phụ tử.
Ngay cả trong các phim kinh dị Ma da hay Linh miêu: Quỷ nhập tràng, yếu tố tình cảm gia đình, mâu thuẫn gia tộc vẫn được cài cắm, đôi lúc khiến người xem cảm thấy chán nản vì cách khai thác quá cũ.
Có phim lạm dụng yếu tố “drama” dẫn đến hiệu ứng ngược. Đơn cử là Cái giá của hạnh phúc – có Thái Hòa, Xuân Lan đóng chính. Biên kịch quá sa đà vào việc sắp đặt các tình tiết để tạo kịch tính, cài cắm cú twist dẫn đến câu chuyện thiếu thuyết phục.
Gần nhất, Công tử Bạc Liêu cũng đang đi theo hướng tương tự khi xây dựng kịch bản để làm nổi bật bi kịch gia đình, dù cuộc đời nhân vật chính có nhiều giai thoại khá thu hút.
Đề tài tình cảm gia đình được khai thác quá nhiều trên màn ảnh rộng.
Chất lượng trồi sụt
Sau khi Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải tạo cơn sốt mới tại phòng vé, phim Việt quay trở lại tình trạng ế ẩm kéo dài trong suốt mùa hè – thời điểm được xem là mùa hốt bạc của thị trường điện ảnh.
Phim nội địa ra mắt dịp hè có số lượng nhỏ giọt nhưng đều đạt doanh thu rất thấp. Đáng tiếc nhất là Móng vuốt của đạo diễn Lê Thanh Sơn.
Dự án được công bố từ lâu với mức kinh phí đầu tư cao, lại quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Thảo Tâm, Tuấn Trần, Rocker Nguyễn… Song, tác phẩm chỉ thu hơn 3,8 tỷ đồng, lỗ nặng bất chấp nỗ lực quảng bá của ê-kíp.
Tương tự, Án mạng lầu 4 dù được kỳ vọng cao với hai ngôi sao Lương Bích Hữu và Trương Thế Vinh vẫn không thể gây chú ý tại phòng vé, rời rạp với doanh thu chưa đến 2 tỷ đồng.
Danh sách các phim Việt có doanh thu bết bát nối dài với những cái tên như Đóa hoa mong manh (430 triệu đồng), Domino: Lối thoát cuối cùng (596 triệu đồng), B4S: Trước giờ yêu (hơn 3,8 tỷ đồng).
Vì chất lượng thấp, các phim đều phải rút rạp trong sự ế ẩm. Thậm chí nhiều người còn không hề biết đến sự tồn tại của chúng.
Đóa hoa mong manh và Domino: Lối thoát cuối cùng là những phim Việt ế ẩm trong năm.
Có phim như B4S - Trước giờ yêu, Móng vuốt thu hồi vốn bằng cách tiếp tục phát hành trên các nền tảng online như Netflix. Song, phản ứng của khán giả vẫn không quá khác biệt so với thời điểm chiếu rạp.
Phần lớn ý kiến đánh giá các tác phẩm thất bại là do kịch bản còn hạn chế, nhiều tình tiết vô lý trong khi diễn xuất của các diễn viên thì non nớt.
Về cơ bản, tổng doanh thu phim Việt năm nay vượt trội so với các năm trước nhưng bức tranh điện ảnh nước nhà chưa có nhiều sự biến chuyển. Thống trị phòng vé không ai khác ngoài hai cái tên quen thuộc là Trấn Thành – Lý Hải. Nhiều tác phẩm vẫn có chất lượng thấp, phần nào khiến khán giả dần mất lòng tin vào phim Việt.
Mặc dù đã có những thành tựu đáng khích lệ, ngành công nghiệp điện ảnh vẫn cần cải thiện nhiều khía cạnh. Các nhà làm phim cần chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm, biên kịch cần mở rộng chủ đề để mang đến những món ăn mới lạ.
Chiến lược quảng bá cũng cần được đầu tư hơn nữa, từ đó mới có thể thu hút thêm nhiều đối tượng khán giả ra rạp.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/giai-tri/hai-thai-cuc-phim-viet-2024-c731a1626114.html
Năm 2024, Tuấn Trần - diễn viên nghìn tỷ đổi đời nhờ Trấn Thành có tới 3 phim điện ảnh ra rạp nhưng chỉ có 2 phim lọt top 10 doanh thu cao nhất, dự án còn lại rơi vào top những tác phẩm thua lỗ nặng nề nhất.