Đã 7 thập kỷ trôi qua kể từ những ngày tháng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, một cột mốc lịch sử vĩ đại trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam ta. Từng ấy thời gian có thể đã làm lành đi vết thương trên da thịt của những người tham gia chiến đấu, tuy nhiên ký ức sâu đậm về những ngày “hoa lửa” ấy vẫn luôn hiện hữu trong tâm khảm người lính Nguyễn Đình Khia, một cựu chiến binh sinh năm 1926, hiện đang sống tại thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
Giữa khung cảnh bình yên của làng quê, ông vẫn miệt mài kể về những trận đánh ác liệt, về những người đồng đội đã ngã xuống,... những câu chuyện mà đến tận bây giờ, khi đã gần 100 tuổi, ông vẫn không thể nào quên.
Một buổi chiều cuối tháng 7, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ, nép mình dưới những tán cây ở thôn Thượng Long. Đón tiếp tôi là người cựu binh với nụ cười nồng hậu, ông chính là Nguyễn Đình Khia, người lính đã sống qua những ngày tháng hào hùng và gian khổ của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Khia dành trọn một buổi chiều để kể cho tôi và người dân trong xóm nghe về những trận đánh “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non…”.
Ngày 9/3/1951, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Khia khi ấy nhận được lệnh lên đường tham gia huấn luyện quân sự tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên, lúc bấy giờ còn được biết đến với cái tên Đại đội 30. Đó là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc đời ông, khi ông bắt đầu từ giã gia đình để chuẩn bị cho một hành trình đầy thử thách và cam go.
Trong suốt 3 năm miệt mài huấn luyện, Nguyễn Đình Khia và các đồng đội đã trải qua nhiều khóa học kỹ năng chiến đấu, sinh tồn và chiến thuật quân sự. Những ngày tháng rèn luyện gian khổ đã hun đúc cho họ lòng kiên cường và ý chí sắt đá. Cho đến ngày 3/2/1954, sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, ông Nguyễn Đình Khia được điều động tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những trận đánh mang tính quyết định trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Lên đường ra trận, ông mang theo trong lòng niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc.
Ông Khia chia sẻ, thời điểm bấy giờ, ông được bổ sung cho lực lượng Đại đội 942, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312.
Sau khi nhận lệnh từ Đại tướng, mỗi cán bộ và chiến sĩ đều quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch, từ đào hầm, đào hào đến kéo pháo, đều được thực hiện với tinh thần cảnh giác cao độ, đảm bảo tuyệt đối bí mật và bất ngờ. Phương châm của chúng tôi là bảo toàn lực lượng và đánh địch trong tình thế không thể ngờ tới, tất cả hướng tới trận đánh mở đầu chiến dịch tại đồi Him Lam, ông Khia nói.
Trận đánh trên đồi Him Lam (Ảnh tư liệu)
Vào đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, lệnh khai hỏa được ban ra, đánh dấu cuộc tấn công vào cứ điểm Him Lam. Pháo binh của ta bắt đầu bắn phá ác liệt từ chân đồi. Khi chúng tôi nhìn lên, thấy rõ cứ điểm của địch trúng rất nhiều đạn pháo, lửa cháy ngùn ngụt làm sáng rực cả bầu trời, ông Khia kể lại.
Được biết, vào lúc 2 giờ sáng ngày 14/3, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm Him Lam, đánh dấu một chiến thắng quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng vang dội tại trận Him Lam, ông Khia và các đồng đội tiếp tục nhận mệnh lệnh từ chỉ huy chiến dịch để tiến công và tiêu diệt các cứ điểm quan trọng khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta xông lên chiếm cứ điểm Him Lam (Ảnh tư liệu)
Những trận đánh tiếp theo diễn ra tại đồi Độc Lập, đồi A1, Bản Kéo, Mường Thanh đã khiến quân địch rơi vào tình thế bị động, mất tinh thần cao độ.
Đỉnh điểm của chiến dịch diễn ra vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, khi quân ta chiếm được sở chỉ huy của địch. Tướng Đờ Cát, cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã phải ra đầu hàng, đánh dấu một kết thúc oanh liệt cho chiến dịch lịch sử này. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay kiêu hãnh trên nóc hầm chỉ huy của địch, trở thành biểu tượng cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay kiêu hãnh trên nóc hầm chỉ huy của địch (Ảnh tư liệu)
Khi nói về trận đánh đáng nhớ, ông kể lại những ngày đóng quân ở đồi A1. Giọng ông trở nên khàn đặc, đôi mắt ánh lên nỗi buồn sâu thẳm khi nhớ về những hy sinh, mất mát của đồng đội. Được biết, do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công.
Sau 39 ngày đêm kiên trì đào hầm và chuẩn bị, quân ta đã hoàn thành việc đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg tại đồi A1. Vào ngày 6/5/1954, sau khi điểm hỏa, một vụ nổ dữ dội đã làm sụp đổ hoàn toàn cứ điểm này.
Đây là chiến thắng mở màn cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm, giành thắng lợi hoàn toàn chiếm đồi và mở cửa cho toàn quân tấn công ào ạt vào trung tâm Mường Thanh của địch.
Hình ảnh trận đánh đồi A1 (Ảnh tư liệu)
Trận đánh đồi A1 thắng lợi nhưng rất nhiều đồng đội của ông Khia đã mãi mãi nằm xuống. Ông cho biết, đội hình của ông lúc bấy giờ có 12 người, nhưng chỉ còn lại một mình ông còn thoi thóp hơi thở giữa trận địa ác liệt.
Khi trận đánh kết thúc, ông Khia được đưa ngay về sơ cứu, tình trạng sức khỏe của ông rất nguy kịch. Sau những nỗ lực cứu chữa ban đầu, ông được chuyển đến Phú Thọ để tiếp tục điều trị. Mặc dù ông đã sống sót và tiếp tục phục vụ, nhưng những ký ức về đồng đội đã hy sinh trong trận đánh đồi A1 vẫn luôn ám ảnh ông. Những mất mát ấy không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn là nỗi đau chung của toàn quân, những người đã cùng nhau chiến đấu dưới làn mưa bom, lửa đạn, để giành lại từng tấc đất, từng bước tiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau 2 năm điều trị ở Phú Thọ, nhờ sự cứu chữa của các y bác sĩ lúc bấy giờ ông Khia đã hồi phục hơn và được trở về quê nhà tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thời điểm đấy do di chứng của bom đạn và các vết thương hiểm, ông Khia vẫn không thể nói chuyện. Nhưng bằng ý chí nghị lực của một người lính, 3 tháng sau khi trở về ông đã cố gắng tập luyện lấy lại giọng nói.
Sau đó một thời gian, ông Khia cũng lập gia đình như bao người. Tuy nhiên, một lần nữa bom đạn chiến tranh lại cướp đi ngôi nhà và những kỷ vật thiêng liêng của ông.
Theo đó, năm 1972, căn nhà của ông bị bom thả, bùng cháy dữ dội. Đứng trước đống đổ nát, ánh mắt ông tràn đầy nỗi buồn, như thể mất đi một phần quý giá nhất của cuộc đời. Ông chia sẻ với ánh mắt nhòe lệ đầy sự tiếc nuối: "Những kỷ vật của đồng đội, những huân huy chương đã cháy hết. Tôi chạy vội về tìm kiếm xem còn sót lại gì không, nhưng tất cả đã hóa thành tro bụi rồi…".
Ngẫm một lúc, ông nói: “Suy cho cùng, tôi chưa bao giờ thấy sợ hãi hay hối hận, hơn tất thảy tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã phải nằm lại trên chiến trường. Tôi còn sống sót để trở về quê hương, được sống giữa hòa bình đấy đã là một đặc ân lớn lao. Chính vì vậy, bản thân tôi luôn tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những hy sinh của đồng chí, đồng đội đã ngã xuống”, ông Khia xúc động nói.
Những ngày này, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Đình Khia luôn rộn ràng với sự xuất hiện của đông đảo người dân làng và các cán bộ thôn xã, đến để bày tỏ sự tri ân và lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng. Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu vẫn hiện lên sống động trong tâm trí ông như mới ngày hôm qua.
Ông Khia, với sự hào hùng và khí phách của một cựu binh, thường xuyên nhắc nhở và động viên con cháu của mình nỗ lực xây dựng quê hương trở nên giàu đẹp và văn minh. Đó không chỉ là một lời nhắc nhở về giá trị của những hy sinh xương máu mà ông cha đã đánh đổi vì độc lập và tự do của dân tộc, mà còn là một di sản tinh thần quý báu mà ông muốn truyền lại cho các thế hệ sau.
Bài và ảnh: Hoàng Diệp
>> Người con gái Pa Cô bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, bắt sống 150 tên địch trên dãy Trường Sơn, là nữ anh hùng 7 lần được gặp Bác Hồ
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/ky-uc-chien-thang-dien-bien-phu-trong-trai-tim-nguoi-cuu-chien-binh-98-tuoi-suy-cho-cung-toi-chua-bao-gio-thay-so-hai-hay-hoi-han-147455.html
“Cổng trời” Hoành Sơn Quan được đặt trên đỉnh Đèo Ngang, nằm gần vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Di tích lịch sử này được xây dựng vào năm 1833, thời vua Minh Mạng để kiểm soát phương tiện, con người qua đèo.