Trung Quốc vừa đạt được đột phá trong công nghệ truyền thông bằng laser từ vệ tinh xuống mặt đất, mở ra tiềm năng cho mạng 6G và các ứng dụng tiên tiến khác - bao gồm cảm biến từ xa với độ phân giải cực cao và công nghệ định vị vệ tinh thế hệ mới.
Công ty Chang Guang Satellite Technology Co, cũng là đơn vị sở hữu Jilin-1 (chòm vệ tinh thương mại cảm biến từ xa cận mét lớn nhất thế giới), cho biết họ đã đạt được tốc độ truyền tải dữ liệu hình ảnh siêu nhanh 100Gbps trong thử nghiệm cuối tuần qua.
Theo công ty, thành tựu này – nhanh gấp 10 lần kỷ lục trước đó – được thực hiện giữa một trạm mặt đất di động đặt trên xe tải và 1 trong số 117 vệ tinh thuộc chòm vệ tinh Jilin-1 hiện nay.
Ông Wang Hanghang, Giám đốc công nghệ trạm mặt đất truyền thông laser của công ty, nhận định rằng bước tiến này đã giúp Chang Guang Satellite vượt lên trước Starlink của Elon Musk.
“Starlink đã giới thiệu hệ thống liên lạc giữa các vệ tinh bằng laser liên vệ tinh nhưng chưa triển khai công nghệ liên lạc bằng laser từ vệ tinh xuống mặt đất. Họ có thể đã phát triển công nghệ này, nhưng chúng tôi mới là bên bắt đầu triển khai trên quy mô lớn”, ông tuyên bố.
Công ty có kế hoạch tích hợp các thiết bị liên lạc laser vào toàn bộ vệ tinh thuộc chòm Jilin-1, với mục tiêu mở rộng mạng lưới lên 300 vệ tinh vào năm 2027.
Theo ông Wang, đột phá này tạo nền tảng cho việc triển khai và vận hành hiệu quả cơ sở hạ tầng vệ tinh của Trung Quốc, bao gồm các ứng dụng định vị, internet 6G và cảm biến từ xa.
Tiềm năng ứng dụng và tác động toàn cầu
Mặc dù nâng cấp các trạm mặt đất tốn kém, truyền thông vệ tinh vẫn là một giải pháp hiệu quả nhờ chi phí thấp và phạm vi bao phủ rộng, được xem là hướng phát triển quan trọng cho 6G.
Khi độ phân giải không gian và thời gian ngày càng cao, lượng dữ liệu vệ tinh tạo ra cũng ngày càng lớn, gây ra giới hạn cho băng thông truyền tải vi sóng truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, Chang Guang đã chuyển trọng tâm sang công nghệ truyền thông laser từ năm 2020, lĩnh vực đã chứng kiến nhiều bước tiến nổi bật.
Trong năm 2022, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đạt được tốc độ truyền laser 100Gbps, tiếp đó là hệ thống TeraByte InfraRed Delivery (TBIRD) của NASA – cũng do MIT phát triển – lập kỷ lục 200Gbps vào năm 2023.
Hệ thống TBIRD chỉ nặng bằng một hộp giấy ăn, trong khi hệ thống của Trung Quốc, tuy nặng hơn (20kg), lại nổi bật nhờ tính cơ động khi được tích hợp vào trạm thu di động trên xe tải. Nhờ đó, nó có thể được triển khai nhanh chóng và linh hoạt.
Trong thử nghiệm mới nhất, vệ tinh Jilin-1 02A02 đã thực hiện truyền tải 100Gbps xuống trạm mặt đất, phá kỷ lục trước đó là 10Gbps vào năm 2023. Thành tựu này, theo ông Wang, tương đương việc truyền tải 10 bộ phim dài chỉ trong 1 giây hay “mở rộng từ một làn đường lên hàng nghìn làn đường”.
Theo báo cáo chính thức, ứng dụng của công nghệ này rất đa dạng, từ giám sát thiên tai, quốc phòng, thành phố thông minh, bảo vệ môi trường đến ứng phó khẩn cấp.
Thành tựu mới nhất không chỉ củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ vũ trụ toàn cầu mà còn mở ra những tiềm năng mới cho mạng 6G và các ứng dụng vệ tinh hiện đại.
Theo SCMP
>> Láng giềng Việt Nam trình làng siêu tàu thăm dò 10.000 tấn: Huy động hơn 100 tổ chức cùng chế tạo, trang bị nhiều công nghệ tiên tiến bậc nhất
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/lang-gieng-viet-nam-lap-ky-tich-cong-nghe-6g-toc-do-nhanh-gap-10-lan-phien-ban-truoc-do-189577.html
Thay vì đóng cửa hoàn toàn, một số trường mầm non đã lựa chọn tái định vị thành trung tâm chăm sóc người cao tuổi.