Một phụ nữ 30 tuổi ở miền bắc Trung Quốc đã đến bệnh viện khám vì triệu chứng khó nuốt. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi thực quản và phát hiện "một vết loét lớn" ở giữa và dưới thực quản.
Sau khi hỏi kỹ tiền sử bệnh, được biết gần đây cô đã dùng thuốc kháng sinh. Bác sĩ cho biết đây là trường hợp điển hình của người bị "viêm thực quản do thuốc".
Bác sĩ Zhang Jing - chuyên khoa tiêu hóa và gan mật, chỉ ra nguyên nhân chính gây bỏng thực quản là do thuốc dính vào niêm mạc thực quản, gây viêm thực quản, thậm chí loét thực quản. Nguyên nhân thường là do không uống đủ nước khi uống thuốc, hoặc nằm xuống ngay sau khi dùng thuốc. Điều này có thể xảy ra với mọi lứa tuổi.
Sau khi nội soi dạ dày, ngoài việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân, ông còn hướng dẫn cô những điều cần chú ý trong chế độ ăn uống để giảm tổn thương thứ phát do loét thực quản.
Hình ảnh nội soi cho thấy một vết loét lớn ở giữa và dưới thực quản.
Loét thực quản nguy hiểm thế nào?
Loét thực quản là một dạng viêm loét xảy ra tại thực quản, các tổn thương thường xuất hiện ở trên lớp niêm mạc ở phần dưới của thực quản, là nơi gặp nhau giữa thực quản và dạ dày khiến cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu, đau đớn.
Các triệu chứng người bệnh có thể gặp phải khi loét thực quản như: Khó nuốt hoặc đau khi nuốt, đau phía sau của xương ức,ợ nóng, đau tức ngực, nôn ra máu,...
Loét thực quản khi không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí có thể dẫn đến phát triển thành ung thư thực quản đe dọa đến tính mạnh của bệnh nhân.
Dấu hiệu loét thực quản do uống thuốc
Triệu chứng hay gặp nhất của viêm loét thực quản do thuốc thường xảy ra sau khi uống thuốc từ 24 đến 48 giờ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau sau xương ức và có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên khi bệnh nhân ăn uống hoặc hít sâu, đôi khi có thể kèm theo nuốt đau, nuốt khó,...
Tuy nhiên, có một số trường hợp chỉ biểu hiện bằng nóng rát sau xương ức và đau vùng bụng trên rốn, tương tự với dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và bệnhviêm thực quản trào ngược. Có những bệnh nhân lại bị đau vùng sau xương ức kèm đau vùng bụng trên, ợ chua, ợ nóng lên cổ nên dễ bị lầm tưởng là bệnh đau dạ dày.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây loét thực quản do dùng thuốc
Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng viêm loét thực quản do dùng thuốc là do người bệnh đã sử dụng thuốc không đúng cách:
- Nhiều bệnh nhân đã dùng thuốc với lượng nước quá ít, thậm chí có những người uống thuốc không cần nước.
- Uống thuốc khi đang ở tư thế nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi, uống thuốc xong rồi đi nằm ngay.
Cách phòng tránh viêm loét thực quản do dùng thuốc
Đối với viêm loét thực quản do dùng thuốc, các biện pháp điều trị viêm loét thực quản chủ yếu là tạm ngừng sử dụng các thuốc có nghi ngờ gây ra loét thực quản, đồng thời điều trị hỗ trợ bằng các thuốc bù nước điện giải, chống trào ngược acid dạ dày và giảm triệu chứng đau tại chỗ bằng thuốc Sucralfate hoặc thuốc tê Lidocain dạng gel.
- Nên uống thuốc cùng với ít nhất là 150 ml nước, tốt nhất là 250 ml. Dùng thuốc ở tư thế đứng hoặc đang ngồi thẳng, tránh nằm ngay sau khi uống thuốc (thời gian ít nhất là 30 phút).
- Trong thời gian người bệnh đang bị loét thực quản, nên sử dụng thức ăn mềm, nguội (súp xay, sữa, cháo), uống nhiều nước ấm.
Phần lớn các tổn thương loét thực quản sẽ hồi phục sau 2 đến 4 tuần điều trị.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/nguoi-phu-nu-30-tuoi-bi-loet-hoan-toan-thuc-quan-vi-mot-sai-lam-nhieu-nguoi-viet-mac-phai-khi-uong-thuoc-c62a1631685.html