Phố Phan Văn Trường
Phố Phan Văn Trường là một trong những tuyến đường kinh doanh sầm uất tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuyến phố này khởi đầu từ phố Trần Quốc Hoàn, đi qua đường Nguyễn Phong Sắc và kết thúc tại đường Xuân Thủy. Trước đây, tuyến phố thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Tên phố được đặt theo nhà trí thức yêu nước Phan Văn Trường (1876-1933), Tiến sĩ luật khoa đầu tiên của Việt Nam và một học giả uyên thâm về cả Hán học lẫn Tây học.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng tại làng Đông Ngạc, Hà Nội, Phan Văn Trường du học Pháp từ năm 1908. Năm 1922, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Khảo luận về Luật Gia Long” tại Đại học Sorbonne và mở văn phòng luật sư tại Paris. Tại Pháp, ông cùng Phan Châu Trinh sáng lập "Hội đồng bào thân ái," tổ chức đầu tiên của người Việt ở Pháp, quy tụ nhiều kiều bào yêu nước. Sau khi trở về nước năm 1923, ông hoạt động tại Sài Gòn, vừa hành nghề luật sư, vừa cộng tác với Nguyễn An Ninh trong lĩnh vực báo chí, đấu tranh chống thực dân Pháp và tham gia các phong trào dân chủ cho đến cuối đời.
Phố Nguyễn Hữu Thọ
Phố Nguyễn Hữu Thọ dài 1.800m, rộng 21m, kéo dài từ cầu Tiên trên đường Giải Phóng đến khu Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Đây là tuyến phố đẹp, rộng rãi, nằm sát hồ Linh Đàm, và kết nối với các khu đô thị mới như Đại Kim, Bắc Linh Đàm. Vị trí thuận lợi khi gần bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, tạo điều kiện giao thông dễ dàng.
Tên của tuyến phố được đặt theo vị luật sư mổi tiếng Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) quê ở Long An. Ông tham gia Mặt trận Liên Việt và gia nhập Đảng Cộng sản năm 1949. Năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phố Phạm Văn Bạch
Phố Phạm Văn Bạch, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dài 500m, kéo từ ngã tư Trung Kính - Dương Đình Nghệ đến vòng xoay Tôn Thất Thuyết - Trần Thái Tông. Con phố rộng 40m, hiện đại, là nơi tọa lạc của nhiều công trình quan trọng, bao gồm trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Bên cạnh đó, các cơ quan lớn như Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Báo Lao Động, và Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đặt tại đây.
Phố được đặt theo tên Tiến sĩ Phạm Văn Bạch (1910-1987), một luật sư và nhà lãnh đạo xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Luật tại Đại học Lyon (Pháp), ông trở về Việt Nam và bắt đầu hành nghề luật sư. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lần lượt giữ nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ, và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam.
Năm 1959, ông được bầu làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và giữ chức vụ này cho đến năm 1981. Ông là một trí thức lớn, yêu nước, có những đóng góp quan trọng cho ngành Tòa án nhân dân, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
Phố Vũ Trọng Khánh
Phố Vũ Trọng Khánh, dài 1.210m, nối từ đường Trần Phú đến phố Tố Hữu, là tuyến đường hiện đại với nhiều chung cư và biệt thự mới xây dựng. Khu vực này phát triển nhanh, trở thành tâm điểm của hàng loạt dự án chung cư cao tầng. Phố được đặt theo tên Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912-1996), người sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ tại Hà Đông. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, ông làm việc tại Hải Phòng và chính thức trở thành Luật sư vào năm 1941.
Trong thời gian phục vụ chính quyền Trần Trọng Kim, ông đảm nhiệm vị trí Đốc lý Hải Phòng và sau đó đã chủ động chuyển giao chính quyền cho Việt Minh vào tháng 8/1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời và là một trong bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp 1946.
Với kiến thức sâu rộng về luật pháp, ông đã đóng góp nhiều sắc lệnh quan trọng, đặt nền tảng cho thể chế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản dự thảo Hiến pháp do ông tham gia soạn thảo được đánh giá cao về tính tiến bộ, trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam.
Đường Trần Cung
Ngoài ra, Hà Nội còn có tuyến đường Trần Cung dài 1,6 km, bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng, chạy qua Bệnh viện E và kết thúc tại đường Nguyễn Phong Sắc. Khu vực này trước đây thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, nay là phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm.
Trần Cung (1899 - 1995) quê ở Vũ Thư, Thái Bình, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1923. Năm 1946, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Sau năm 1954, ông đảm nhận các vị trí quan trọng như thành viên Đảng đoàn, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và Chánh tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao.
>> Gia đình có bốn nghệ sĩ được đặt tên đường tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam, đặc biệt nằm trong cùng một quận
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/nhung-con-duong-tuyen-pho-duoc-dat-theo-ten-cac-vi-luat-gia-noi-tieng-viet-nam-giua-long-thu-do-nguoi-o-ha-noi-lau-nam-chua-chac-da-biet-153195.html
Liên hệ người rao cắt lỗ 200 triệu một căn hộ cao cấp, chị Linh bất ngờ bởi chủ nhà chỉ giảm bớt lãi, không phải hạ giá trên hợp đồng mua bán.