Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng trạm Y tế Nam Cường, hốt hoảng khi nhìn nước lũ cuồn cuộn như thác đổ kèm mưa to xối xả, chiều 9/9. "Ngập rồi, ngập rồi", chị hớt hải chạy vào phòng, hô hoán đồng nghiệp khẩn cấp "chạy lũ", đưa toàn bộ đồ dùng lên tầng hai. Cùng lúc, chị nhấc máy gọi cho lãnh đạo để báo cáo tình hình, phòng trường hợp xấu hơn.
Lập tức, mọi người lao xuống tầng một, cắp trên tay, kẹp nách những đồ dùng, tài liệu, quan trọng. Do nhân lực toàn là nữ, mọi người không đủ sức bê vác đồ nặng, phải huy động thêm lực lượng khác.
Trung tâm ngập sâu, mọi người phải di chuyển bằng thuyền, ca nô. Ảnh: Lê Hảo
Chỉ trong vài giờ, nước dâng cao khoảng một mét, tầng một trạm y tế chìm sâu trong biển nước, mất điện hoàn toàn. Theo bác sĩ, trạm y tế này ở vùng trũng nên đã có sự chuẩn bị, song không đủ. Mất điện, chị phải dùng đèn dầu để thắp sáng, còn máy phát ưu tiên ở những nơi có bệnh nhân đang điều trị nội trú, đông dân cư. Khi có bệnh nhân, chiếc đèn dầu trở thành nguồn sáng duy nhất.
May mắn, người bệnh đến khám rất ít, đa số bị thương nhẹ, xước da, không có trường hợp cấp cứu nặng. Đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện để phục vụ cấp cứu.
Sau hai ngày bão oanh tạc, nước không có dấu hiệu rút, mất điện, mất sóng, hầu hết mọi người đều mệt mỏi, "không khác gì giam lỏng giữa bốn bề nước".
Đại diện Trung tâm Y tế Yên Bái cho biết có ba trạm bị ngập nước là Trạm y tế Nam Cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Trạm Y tế Tuy Lộc và Hợp Minh bị cô lập hoàn toàn do nước dâng cao, di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Chiếc đèn dầu đặt ở tầng hai, cũng là nơi có ánh sáng duy nhất tại Trạm Y tế. Ảnh: Lê Hảo
Tương tự, vừa vật lộn với mưa gió vừa cấp cứu ca bệnh nặng, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Hạ Hòa nói đây là quãng thời gian không thể quên. Bác sĩ Phan Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm, cho biết đơn vị huy động toàn bộ nhân viên "chạy đua với lũ", đưa thiết bị quan trọng lên cao. Đơn vị đã thiết kế cầu và thuyền di chuyển để đón bệnh nhân vào viện an toàn.
Huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông Thao dâng nhanh, gây ngập lụt tại nhiều địa phương. Đường vào Trung tâm Y tế Hạ Hòa bị ngập hết gần một mét, gây khó khăn cho việc di chuyển bệnh nhân.
Chiều 11/9, trung tâm nhận được thông tin sản phụ 39 tuổi, mang thai lần 4, có dấu hiệu chuyển dạ, song không thể đến viện do mưa bão. Nhà của sản phụ ở xã Đan Thượng bị cô lập hoàn toàn, mất điện, liên lạc hạn chế. Công an huyện tiếp cận đưa sản phụ đến thị trấn, sau đó chuyển sang thuyền của Trung tâm Y tế. Các bác sĩ phẫu thuật lấy thai, hiện cả hai mẹ con đều ổn định.
Các bác sĩ phẫu thuật đỡ đẻ cho sản phụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tại Tuyên Quang, mực nước vẫn tiếp tục lên, gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất trên sườn dốc, nhiều bệnh viện ngập sâu. Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc ở trong vùng trũng nên bị ngập rất nhanh và rất sâu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, cho biết đã huy động hơn 200 nhân viên để chuyển toàn bộ hệ thống máy chạy thận, máy phục hồi chức năng, hệ thống hấp sấy kiểm soát nhiễm khuẩn, thuốc trong kho dược...
"Riêng hệ thống điều hòa tầng một không thể tháo gỡ, bị hỏng hoàn toàn", bác sĩ nói, thêm rằng đơn vị đang cố gắng khắc phục sớm để không ảnh hưởng đến công tác chữa bệnh.
Tại Cao Bằng, Trung tâm y tế huyện Nguyên Bình phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị và ứng cứu tai nạn do sạt lở sau bão. Hiện, đơn vị tiếp nhận điều trị 6 nạn nhân, trong đó ba ca điều trị tại chỗ, ba ca chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên, Lào Cai tiếp nhận 18 bệnh nhân trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, trong đó hai người nguy kịch, nhiều người sang chấn tâm lý. Đơn vị này đã nhận sự hỗ trợ từ xa của Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai. Dự báo số nạn nhân tiếp tục tăng.
Trạm y tế xã Nam Sơn- Ba Chẽ, Quảng Ninh, nước lũ về ngập hơn một mét. Toàn bộ thiết bị ngập trong nước gây hư hỏng nặng nề. Hiện, các bác sĩ dọn dẹp để sớm đưa trung tâm trở lại hoạt động. Các bệnh viện khác như Sản nhi, Lão khoa... cũng căng mình vật lộn sau bão.
Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc ngập hoàn toàn tầng một. Video: Bác sĩ cung cấp
Mưa to, lũ các sông đang lên, hàng loạt sông ở miền Bắc lũ đã vượt báo động ba - mức báo động cao nhất. 9 tỉnh thành đối diện ngập lụt, trong đó có Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình. 16 tỉnh thành đối diện nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Tính đến 7h ngày 12/9, cả nước ghi nhận 325 người chết, mất tích (197 người chết, 128 người mất tích). Cụ thể, tại Lào Cai 177 người (82 người chết, 95 người mất tích). Cao Bằng ghi nhận 52 người tại huyện Nguyên Bình (34 người chết, 18 người mất tích); Yên Bái 44 người (42 người chết, 2 người mất tích).
Các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đều thiệt hại nặng nề.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/chay-lut-trong-benh-vien-c46a1601829.html