Theo danh sách dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 tỉnh, thành phố mới sau khi sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ "về chung nhà", lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Một điều thú vị được nhiều người phát hiện, Hưng Yên và Thái Bình đều là tỉnh không có núi.
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Hưng Yên không có rừng, không có núi và không có biển. Thái Bình có ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển và cũng không có núi.
Như vậy, sau khi Hưng Yên và Thái Bình sáp nhập, tỉnh mới vẫn là một trong những tỉnh không có núi tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỉnh mới sẽ có tiềm năng du lịch tốt hơn, nhờ sở hữu hệ thống di tích văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái.
Thăm chùa Keo, săn "biển vô cực"
Chùa Keo (ở xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình) là 1 trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất miền Bắc. Ngôi chùa thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh tới chiêm bái, đặc biệt sau tết Nguyên đán.
Trải qua hàng trăm năm xây dựng, chùa Keo đến nay vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc tiêu biểu của thời Lê với mái đình uốn cong mềm mại, các cột gỗ lim, bộ cánh cửa được chạm rồng tinh xảo.
Hiện chùa còn lưu giữ 17 công trình với 128 gian, trên tổng diện tích khoảng 41.000m2
Có dịp tới chùa Keo, du khách có thể kết hợp ghé thăm một số điểm tâm linh khác như: Chùa Am Vô, đền Trần, đền Tiên La, đền Đồng Bằng,...
Biển Quang Lang (Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình), nằm cạnh cửa sông Diêm Hộ - một nhánh nhỏ của sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 140km và cách thị trấn Diêm Điền khoảng 2km.
Đây là vùng biển hoang sơ, chưa phát triển du lịch. Vài năm trở lại đây, bờ biển Quang Lang thu hút giới nhiếp ảnh gia bởi cảnh đẹp lúc bình minh. Nơi đây được mệnh danh là "bãi biển vô cực”.
Biển vô cực Thái Bình rực rỡ sắc màu trong nắng hè. Ảnh: Vũ Thanh Thủy
Du khách cũng có thể lựa chọn ghé biển Cồn Vành, Cồn Tiên, Cồn Đen.
Cồn Vành nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, có diện tích 1.696ha cùng bãi biển trải dài khoảng 6km kèm theo 700ha rừng ngập mặn và 56ha rừng phi lao trải dài dọc bờ biển.
Thái Bình có nhiều làng nghề như chạm bạc Đồng Xâm, dệt chiếu Hới, bánh cáy làng Nguyễn cũng khá thú vị để du khách trải nghiệm.
Làng cổ, chùa cổ ở Hưng Yên
Phố Hiến từng là thương cảng sầm uất, nức tiếng với câu ca "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến".
Quần thể di tích phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành như: Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Mẫu, đền Trần, đình- chùa Hiến, chùa Phố,...
Làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm), được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ngày nay, ngôi làng vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp cổ xưa. Trung tâm của làng là quần thể kiến trúc đẹp gồm đình, giếng cổ, cây đa cổ thụ,...
Tới đây, du khách nên ghé thăm chùa Nôm và chợ Nôm. Chùa Nôm lưu giữ hơn 100 bức tượng cổ bằng đất nung, nhiều hiện vật quý giá như tượng phật, cây hương đá, tháp đá, chuông đồng, nhang án gỗ,...
Vẻ đẹp bình yên, cổ kính của làng Nôm. Ảnh: Nguyễn Lê Hoàng
Làng Tất Viên (Thủ Sỹ, Tiên Lữ), hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà giữ được nét cổ kính của làng quê Bắc Bộ. Đây cũng là làng nghề nổi tiếng với nghề đan đó truyền thống hơn 200 năm tuổi.
Ngoài đan đó - dụng cụ bắt cá, tôm, người dân làng Thủ Sỹ còn làm các dụng cụ mây tre đan như đơm, lờ, dậm... Ngày nay, những sản phẩm được bán chủ yếu để phục vụ trang trí, làm đạo cụ quay phim...
Làng Bần (thị xã Mỹ Hào) nổi tiếng gần xa với món tương bần. Đến nay, làng vẫn còn nhiều hộ gia đình theo nghề làm tương. Dân làng Bần dùng lá nhãn để ủ mốc và ủ miệng chum tương, làm tương từ nước giếng làng.
Tới đây, du khách có thể ngắm nhìn những chum sành thủ công có tuổi đời 50-70 năm, nghe người dân chia sẻ về sự kỳ công trong quá trình làm tương.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/du-lich-24h/sap-nhap-hung-yen-thai-binh-nhieu-nguoi-phat-hien-dieu-thu-vi-c76a1657726.html
TP HCM- Củ Chi là vùng “đất thép thành đồng“ trong kháng chiến, ngày nay là điểm đến với nhiều di tích lịch sử, vùng nông nghiệp trù phú mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Du lịchSở hữu khung cảnh xanh mát cùng lối kiến trúc đẹp, lạ, những ngôi chùa này ở Hải Phòng trở thành địa điểm du lịch tâm linh hút khách trong và ngoài địa phương tới chiêm bái.
Du lịchTừ một thoáng nhìn trên đèo Hải Vân, Minh Phụng đã nuôi dưỡng khát khao khám phá cây cầu vòm Đồn Cả. Hành trình tìm đến “kho báu“ ấy không hề dễ dàng, nhưng khung cảnh hùng vĩ, nên thơ hiện ra trước mắt đã đền đáp xứng đáng mọi nỗ lực.
Du lịch