Sáng ngày 3/1, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Triển khai kế hoạch cho năm 2025. Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Bùi Xuân Cường, đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo và sự phối hợp hiệu quả giữa UBND huyện Bình Chánh và các sở, ngành của thành phố.
Theo PLO, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: "Cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, tận dụng cơ hội từ quy hoạch để phát triển. Định hướng đến năm 2030, huyện Bình Chánh cần phấn đấu cơ bản đạt được các tiêu chí của một đô thị TP. HCM. Sau năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc TP. HCM".
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thăm/PLO
Theo báo cáo, năm 2024, huyện Bình Chánh đã hoàn thành xuất sắc 21/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với 11 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước đạt 3.887,7 tỷ đồng, tương đương 155,7% dự toán, tăng 82,58% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư công, huyện đã giải ngân 2.708,6 tỷ đồng, đạt 85,78% kế hoạch vốn. Dự kiến, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 95,3% vào cuối tháng 1/2025. Ngoài ra, huyện cũng đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng cho 21 dự án trọng điểm, như mở rộng đường liên ấp 4-5 xã Đa Phước, cầu Kênh Xáng Ngang, Trường Tiểu học Tân Nhựt 6…
Trong công tác giảm nghèo, huyện đạt thành tích nổi bật khi cơ bản không còn hộ nghèo và đã kéo giảm 489 hộ cận nghèo, vượt xa chỉ tiêu được giao.
Trong năm 2025, huyện Bình Chánh đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, nhất là sau khi điều chỉnh quy hoạch chung của TP. HCM được phê duyệt. Trọng tâm là tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các dự án trọng điểm, đồng thời xây dựng định hướng phát triển bền vững cho huyện.
Một góc huyện Bình Chánh, nhìn trên cao từ đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Vietnamfinance
Huyện Bình Chánh nằm ở phía Tây - Tây Nam TP. HCM, có diện tích hơn 252km2, dân số hơn 815.000 người, chiếm 12% diện tích toàn thành phố. Vùng đất này vừa mang dáng vẻ của một đô thị trẻ hiện đại hóa từng ngày nhưng cũng mang nét bình dị của một làng quê đất phương Nam.
Về lịch sử hình thành, dưới thời nhà Nguyễn, Bình Chánh thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau khi Pháp xâm lược và cai trị, đã thay đổi cách thức cai trị và phân ranh hành chánh, theo đó thì Bình Chánh lại thuộc quận Trung Quận (về phía chính quyền cách mạng thì gọi là huyện Trung Huyện) tỉnh Chợ Lớn.
Đến năm 1957, huyện Bình Chánh được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Trung Huyện. Đến năm 1960, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, Bình Chánh lại tách ra Nam, Bắc Bình Chánh; Nam gọi là Bình Chánh - Nhà Bè, Bắc nhập với Tân Bình gọi là Bình Tân.
Đến năm 1972, tên gọi huyện Bình Chánh được phục hồi trên cơ sở hợp nhất Nam, Bắc Bình Chánh. Đến tháng 12/2003, do sự tăng dân số cơ học và để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, huyện Bình Chánh tách ra thành lập thêm quận Bình Tân.
Hiện nay, Bình Chánh đang sở hữu hệ thống giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố. Huyện đóng vai trò là trung tâm liên kết TP. HCM với Đồng bằng sông Cửu Long qua cả đường bộ và đường thủy. Những lợi thế này đang tạo động lực lớn để Bình Chánh phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TP. HCM trong tương lai.
>> Ngay năm nay, 'thành phố trong thành phố' đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sẽ đón thêm 2 'công trình thế kỷ' gần 5.000 tỷ đồng
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/sau-5-nam-nua-tp-hcm-se-co-thanh-pho-trong-thanh-pho-thu-hai-189960.html
TP. HCM và các tỉnh lân cận phấn đấu đặt mục tiêu trước năm 2027 sẽ hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 với mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng.