PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhìn nhận thực tế như trên, nói rõ người bệnh phải chịu thêm gánh nặng chi phí bởi phải mua thực phẩm chức năng trong khi giá rất cao.
"Người bệnh phải bán trâu, bò, gà lợn để đi Hà Nội khám, nhưng ngoài 3 đồng mua thuốc phải chi 7 đồng cho thực phẩm chức năng, bởi bác sĩ kê toa gì thì người bệnh thường phải cố mua nấy", ông Cơ nói tại Hội nghị khoa học trong khuôn khổ Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía Bắc, ngày 19/4, trong bối cảnh cơ quan công an vừa triệt phá đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả và đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn.
Trong điều trị bệnh, thuốc là yếu tố then chốt, theo ông Cơ. Bác sĩ có thể tư vấn thêm về dinh dưỡng hàng ngày bổ trợ cho người bệnh. Song, việc bác sĩ kê toa thêm sữa, thực phẩm chức năng sẽ tăng gánh nặng về chi phí cho bệnh nhân, trong khi hiệu quả điều trị chưa rõ ràng.
"Bệnh viện Bạch Mai quy định bác sĩ không kê đơn, tư vấn thực phẩm chức năng; nhà thuốc trong bệnh viện không bán thực phẩm chức năng", ông Cơ nói, thêm rằng người dân, người bệnh nếu phát hiện bác sĩ của bệnh viện kê đơn thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì phản ánh để xử lý.
Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Quy định hiện nay, bao bì thực phẩm chức năng phải ghi khuyến cáo "sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2016 quy định bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Do đó, bên cạnh đơn thuốc, hiện đa số bác sĩ kê riêng thực phẩm chức năng vào tờ giấy khác, thường được ghi là "Sản phẩm hỗ trợ" hoặc "Phiếu chỉ định", "Phiếu tư vấn"...
Trong khi đó, tâm lý của bệnh nhân là bác sĩ kê toa thì "chắc chữa được bệnh", nên giá đắt cũng phải mua. Như bà Huyền Đào, 35 tuổi, băn khoăn sau khi đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM: "Bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng nhưng tôi không dùng thì có bị lâu lành bệnh không, hay sức khỏe có kém hơn không". Cân nhắc kỹ, bà Huyền vẫn mua cả hai toa bác sĩ đã kê, với toa thực phẩm chức năng đắt tiền gấp đôi toa thuốc.
TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định bác sĩ không được kê đơn thực phẩm chức năng, thực phẩm trong toa thuốc. "Nếu bác sĩ kê đơn chưa đúng, tùy theo hình thức vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc hình sự với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng", ông nói.
Bên cạnh thực phẩm chức năng, ông Đức cũng nhìn nhận thuốc giả, sữa giả là vấn đề nhức nhối trong ngành y tế, ảnh hưởng đến người bệnh. Quan điểm của ông là sữa giả, thuốc giả có xâm nhập được vào bệnh viện hay không sẽ liên quan tới công tác quản trị của đơn vị. Tong đó, giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm và đưa ra quy chế trong kê đơn, bán thuốc, cung cấp các dịch vụ trong bệnh viện.
Trong khi ông Cơ cho rằng bệnh viện không có chức năng kiểm nghiệm hàng hóa, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng hàng hóa, từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu hành phải đảm bảo. Khi hàng hóa đến bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân được yên tâm sử dụng. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị cũng phải "liêm khiết" để không bị doanh nghiệp mua chuộc, từ đó những hàng kém chất lượng, hàng giả được chiết khấu cao không thể lọt vào bệnh viện.
"Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che với tất cả vi phạm", ông Đức nói.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Thanh Hải
Một tuần nay, cơ quan công an liên tục triệt phá đường dây sản xuất kinh doanh sữa và thuốc giả, kém chất lượng. Hôm 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Hôm 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người. 21 loại thuốc giả được sản xuất tại Hà Nội, TP HCM và An Giang, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Sữa giả được bán ở nhiều nơi từ các cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử, trúng thầu cung cấp cho bệnh viện. Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thông báo dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus, do phát hiện chúng thuộc công ty sản xuất sữa giả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 17/4 yêu cầu các bộ ngành đơn vị liên quan điều tra nhanh vụ sữa giả, tăng cường kiểm tra thị trường, đồng thời rà soát siết chặt quy định pháp luật liên quan, nếu quy định nào chưa phù hợp thực tiễn thì đề xuất sửa.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/nguoi-benh-nang-ganh-3-dong-thuoc-7-dong-thuc-pham-chuc-nang-c62a1658154.html
Ngày 13/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ 4-11/4, thành phố ghi nhận một trường hợp mắc bệnh não mô cầu tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.
Sức khỏeUng thư đại trực tràng đang trở thành gánh nặng y tế toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tử vong theo thống kê GLOBOCAN 2022. Tại Việt Nam, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Liệu chúng ta có thể phòng tránh được ung thư đại trực tràng? TS.BS Nguyễn Bình Nguyên, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ với chúng ta về vấn đề này.
Sức khỏeBé trai 4 tháng tuổi ở Hà Nội xuất hiện ban đỏ rải rác lòng bàn tay, chân, được bác sĩ phát hiện mắc giang mai bẩm sinh.
Sức khỏe